NHỮNG KÝ ỨC VỀ SÔNG THỊ NGHÈ – NHIÊU LỘC THỜI KỲ SAU 1975
Lâu lâu viết linh tinh một chút để luyện thể dục các ngón tay , viết tặng cho Kim Hoàng, Hoàng Nhân bạn cùng xóm thuở nhỏ.
Bài viết về một chủ đề chưa thấy bài báo hay sách nào viết đến, tuổi mình không già cũng không trẻ, người trẻ muốn gọi bằng gì cũng được, hihi viết để đánh dấu ký ức không thôi già quá lẫm cẩm là nó quên hết.
Viết cho người trẻ để biết một chút xíu về Sài Gòn, về những khoảng thời gian chưa phải là lâu, viết để chia sẽ với bạn bè cùng trang lứa, viết cho người lớn tuổi chợt nhớ những ngày nào đó của Sài Gòn.
Tháng 4/1975, Sài gòn lúc đó đã nghe tiếng đì đùng liên khúc của súng đạn mà tôi chẳng biết từ nơi nào những đoàn xe chở đầy lính tráng cứ chạy ngược xuôi đường Phan Thanh Giản nay là Điện Biên Phủ để chạy ra hướng Xa lộ Biên Hòa nay là Xa Lộ Hà Nội.
Trong trí nhớ vẫn còn nghe được tiếng còi báo động ở trường Phước An khi Nguyễn Thành Trung lái máy bay ném bom ngược vào Dinh Độc lập, à tui không thấy chiếc máy bay đó, nhưng vẫn còn nhớ một hay hai chiếc F5 bay đuỗi chiếc này. Các Thầy cô, các Ma-Sơ thì kêu học trò chui xuống gầm bàn để tránh bom.
Và những ngày sau đó Sài Gòn thất thủ, biết bao nhiêu là quần áo tư trang của lính bị vứt ngay xuống sông Thị Nghè cùng với súng ống đạn dược và đủ thứ trên đời.
Nói lan man lạc đề một chút, người ta hay nói Sài Gòn rất hoa lệ, nhưng khoảng thời điểm đó, Sài Gòn toàn là thấy bao cát làm lô cốt, hàng rào thép gai, rất nhiều lô cốt với các lổ châu mai, cảnh sát, quân cảnh, lính gác đầy đường, …. một thành phố thời chiến.
Và sau ngày 30/4 dần dần có một nghề bắt đầu càng ngày càng phổ biến là nghề móc bọc ni-lông (nylon) ở các con sông rạch quanh Sài Gòn. Cả nước bắt đầu khan hiếm về giấy cho nên mới có phong trào làm kế hoạch nhỏ là gom giấy vụn, sách báo cũ. Đồng thời cả nước cũng khan hiếm về nguyên liệu nhựa, nylon để làm các túi, bịch nylon hay ngoài bắc gọi là bọc bóng. Cái bọc nylon bây giờ thì có đủ loại, dày mỏng đủ màu sắc, sạch sẽ tinh tươm, nhưng những người trẻ chắc không hề biết ràng cách đây thời gian không lâu, những bọc này nó có màu nâu nâu, đen đen, cũ cũ, rất bở và mùi rất hôi vào thời những năm cuối thập niên 70 cho tới giữa thập niên 80.
Những bọc nylon này là hàng nhựa tái chế đi tái chế lại không biết bao nhiêu lần và một trong những nguồn cung cấp nguyên vật liệu để tái chế là những bọc nylon được một số người xuống những con sông quanh Sài Gòn để rà soát không chừa một tất đất dưới lòng sông để lượm những bọc nylon về rửa sơ với nước sông phơi khô rồi bán cho các chủ vựa ve chai để kiếm sống.
Nghề của họ là suốt ngày chờ con nước cạn, họ xuống sông và dùng tay, cuốc, đinh ba để đào xới từng miếng sình bùn hôi thối dưới lòng sông và có khi họ đi từng người hay từng đoàn để càn quét có chiến lược cứ như là đi phá rừng làm rẫy. Họ sống bằng nghề gọi là móc bọc nylon. Do suốt ngày họ trầm mình nữa dưới nước nữa trên cạn nên họ có màu da đen tái và thật sự là rất hôi mùi sình cho dù sau đó họ đã tắm rửa.
Thế nhưng ngoài kết quả thu được là những bọc nylon thì lòng sông Thị Nghè thời đó rất nhiều những muỗng nĩa đồ dùng bằng inox của lính VNCH, lính Mỹ mà ai đó hay bản thân người lính đã vứt xuống hay nhà ai đó thấy mấy đồ này có khắc chữ USA sợ liên lụy về chính trị cũng đã vứt xuống sông và rất nhiều thứ dủ loại hầm bà lằng mà có dính dáng tí xíu về chữ USA hay sách báo liên quan đến chế độ VNCH là vứt xuống sông phi tang cho dể. Cái gì cũng tiêu nhưng đồ dùng bằng inox, nón cối, đạn dược, súng ống là vẫn còn đó. Do đó thường xuyên sau một ngày làm việc những người móc bọc nylon đem về ngoài các bọc nylon là đủ thứ trên đời như muống nĩa inox có chữ USA, nón cối, đạn đủ loại, có khi cả súng, súng thì dấu hay phi tang chứ cầm khơi khơi không là bị bắt ngay. Có khi may mắn thì lượm được dây chuyền vàng, bạc. Nếu lượm được vàng, bạc là họ rút ngay, ngày đó nghỉ sớm, xem như trúng quả.
Nghề thứ hai liên quan đến Sông Thị Nghè cũng như một số sông rạch khác quanh Sài Gòn là nghề vớt trùng chỉ. Họ làm nghề này mới nhìn na ná như nghề móc bọc nylon, nhưng nhìn kỹ là họ đem theo một hay cái thau để đựng trùng chỉ. Trùng chỉ là mồi ăn khoái khẩu của các các loại cá cảnh, cá đá, còn cho vịt ăn thì quá sang. Khi con nước bắt đầu cạn thì họ bơi bằng xuồng, xuồng làm bằng tôn, bằng gổ đủ loại ... rồi họ bước xuống sình để đãi và vớt những con trùng chỉ này. Sau đó họ bán cho các chủ bán cá cảnh, cá đá. Nghề này nghe nói là khá hơn nghề móc bọc nylon.
Nghề nữa nói đến là nghề nhổ cừ. Sài Gòn trước 1975 những con sông rạch ở Sài gòn chật hẹp với những nhà sàn trên sông san sát. Sau 1975 một số nhà đi kinh tế mới, thế là lòng sông tự nhiên được thông thoáng hơn, nhà sàn được dở đi, lòi ra nhũng cái cọc cắm xuống lòng sông gọi là những cây cừ. Cừ gổ, cừ bê tông cần phải được nhổ lên chắc là để tái sử dụng cho những nhà cần cơi nới hay sửa chữa. …. . Khi nhổ cừ những người thợ này phải chờ nước cạn hoặc gần cạn, dĩ nhiên toàn là đàn ông thanh niên to khỏe mới làm nghề này được. Họ tất cả đều mình trần với những giá gổ làm điểm tựa và những thanh đòn bằng gổ chắc to được cột vào những cây cừ bằng những sợi xích thật to và thế là họ bẫy từng cây cừ lên. Những nhà cần cơi nới hay sửa chữa thì thuê họ đóng những cây cừ này xuống song lại sau đó lót sàn bằng ván gổ hoặc đúc sàn bằng bê tông.
Có một công việc không biết gọi là nghề hay không đó nghề thả rau muống, thực ra nghề này thì cũng khá lâu rồi, có thể là từ khi Sài Gòn bắt đầu hình thành. Khi đi qua những cây cầu bắc ngang sông Thị Nghè - Rạch Miễu – Nhiêu Lộc thời đó là dể dàng thấy những đám rau muống được thả trên sông, những đám rau muống này đều có chủ, một loại chủ quyền bãi thả rau muống không có văn tự, tự quy định với nhau khu nào mình thả, vẫn có thu hoạch rau bằng xuồng hoặc nhưng ghe nhỏ chỉ thả rồi cắm cọc cho đừng trôi rồi tới ngày đi cắt và chẳng cần chăm sóc chi, rau muống vẫn mọc tốt và xanh um. Những đám rau này đôi khi lấp cả mặt nước của một đoạn sông. Và nó chắn lại biết bao nhiêu là loại rác rến. Nhờ những đám rau muống này mà đôi khi con nước lớn, con sông cũng đở thấy rác nhờ có một màu xanh man mác.
Thời đó sông Thị Nghè đã bắt đầu ô nhiễm nhưng không nặng như thời gian sau đó, lâu lâu vẫn thấy nhưng chiếc xuồng chài đánh cá. Loại cá đặc trưng ở sông Thị Nghè lúc đó là cá dứa, nghe nói là ngon. Khi kéo chài quan sát kỹ vẫn thấy những con cá dứa bụng trắng phếu được kéo lên. Lúc này nhưng loài cá như cá thòi lòi, cá kèo, cá bống, lươn, cá trê … cũng còn khá nhiều khi nước cạn có thể thấy. Khi nước lớn vẫn thấy cá bảy màu, cá bụng chữa, cá lìm kìm … rất nhiều. Không biết còn nhớ rỏ không, theo tui nhớ được hằng năm có khoảng hai con nước kéo dài một tuần là nước mặn tràn vào, lúc đó mặt nước sông trong veo có một màu xanh nhè nhẹ rất đẹp. Tụi nhỏ chúng tôi rất thích con nước này vì nước sông rất trong và sạch. Lúc đó là hàng đàn cá đối theo con nước lợ quẫy đuôi bơi nườm nượp.
Con sông thật hào phóng lúc đó, cạnh bên nghề chài lưới đánh cá là nghề chích điện, nghề này phải nói là sướng, khi tới mùa cá đối chỉ cần chích điện vào là hàng chục con ngã ngữa và họ chỉ có vớt lên. Nghề này khi nước cạn thì họ đi chích điện cá kèo, cá bống.
Thời này kinh tế khó khăn giao thông đường thủy vẫn còn quan trọng đối với Sài Gòn và miền nam nói chung. Chợ Thị Nghè là đầu mối giao thương lớn qua ngã sông Thị Nghè. Khi sản vật được chuyển từ miền tây và các vùng lân cận, thuyền bè dập dìu, xuồng lá chèo tay, đạp chân cho đến xuồng máy nổ bạch bạch liên hồi chở nào cũi, than, cừ, dừa, trái cây, … . Chợ Bà Chiễu cũng thông thương qua rạch Xuyên Tâm và nối với sông Thị Nghè và cũng là một chợ đầu mối lớn.
Nghe mấy người lớn nói ngày xưa sông Thị Nghè đẹp lắm, nước trong vắt, hai bên bờ cây cỏ um tùm, giới trung lưu, thượng lưu Sài Gòn còn ra đây cắm trại nghỉ mát. Qua thời gian dòng sông đã thay hình đổi dạng, lòng sông bị thu hẹp lại, phần thượng nguồn của dòng sông gọi là Nhiêu Lộc đã bị lấp hết một đoạn.Nhưng ký ức của người dân Sài Gòn – Gia Định vẫn không phai mờ về hình ảnh của nó gắn liền tới sự hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn – Gia Định ngày nay.
Nguyễn Văn Danh
Viết ngày 9/4/2018